Ngày 29/7, nguồn tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, trên các trang web và mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo trái phép liên quan đến NAD+ (Nicotinamide Adenine Dinucleotide) hoàn toàn thiếu bằng chứng khoa học về tác dụng chống lão hóa, tăng cường năng lượng, sức khỏe, sắc đẹp,… Sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, và cũng không có trong bất cứ hướng dẫn điều trị nào của Bộ Y tế.
Cụ thể, ngày 11/7 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an quận 3, Phòng Y tế quận 3, UBND phường Võ Thị Sáu và Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3 tiến hành kiểm tra Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc chi nhánh Công ty TNHH Shynh House (Viện thẩm mỹ công nghệ cao Shynh Premium), địa chỉ 33 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Viện thẩm mỹ công nghệ cao Shynh Premium địa chỉ 33 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh bị phát hiện quảng cáo trái phép liên quan đến NAD+. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận có 2 hồ sơ bệnh án của 2 bệnh nhân đã được phòng khám truyền NAD+ vào những ngày trước đó với chỉ định giúp cải thiện da tóc, cải thiện sức khỏe. Phòng khám này không cung cấp cho Đoàn kiểm tra sản phẩm NAD+ và các hóa đơn, chứng từ liên quan đến sản phẩm này đã được sử dụng cho người bệnh. Phòng khám thừa nhận trước đây cơ sở có quảng cáo dịch vụ truyền năng lượng NAD+ trên màn hình LED ở phía trước cơ sở và trên trang website.
Tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế, đại diện phòng khám khẳng định cơ sở này đã dùng các dung dịch cho là “NAD+” mà bản chất là các dung dịch vitaplex 500 ml, pantogen 250 ml hoặc 500 ml, polymia kabi 250 ml hoặc 500 ml. Đây là các dịch truyền thông thường thành phần có chứa các vitamin nhóm B có giá trên thị trường từ 60.000 đồng đến 125.000 đồng.
Thanh tra Sở Y tế tiếp tục xác lập hành vi vi phạm hành chính, xử lý nghiêm đối với Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc chi nhánh Công ty TNHH Shynh House với các hành vi vi phạm các quy định trong hành nghề khám, chữa bệnh, bao gồm: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề không đăng ký hành nghề; không đảm bảo thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn; quảng cáo có sử dụng từ ngữ “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định,…
Với những hành vi vi phạm như trên, cơ sở có thể sẽ bị phạt với mức phạt lên đến 268.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 6 tháng.